Đăng Tuần báo văn nghệ (hội nhà văn vn)
Nhớ bạn
( Kính tặng những người lính thời chống Mỹ)
Bạn tôi:
Đứa nằm lại chiến trường xa
Với bản tình ca…Bất tử
Đứa cụt què bệnh tật
Ngẩn ngơ, thương binh sọ não vô hồn
Đứa nhiễm chất độc màu da cam
Con cháu mấy chục năm sau vẫn còn thương tích
Đứa về quê sau nhiều năm xa cách
Ngày vui đồng ruộng, tối vui gia đình
Thảnh thơi anh dân quê tối ngủ ngon lành
Bạn bè đứa nào yêu thì đến
Đứa đam mê tiếp đường binh nghiệp
Hết biên giới Tây Nam – Tây Bắc
Quê hương: một năm vài ba tuần phép
Cấp tá về hưu tóc nửa bạc nửa xanh
Đứa bỏ quê đánh đáo thị thành
Lính – giám đốc, thủ trưởng thành giúp việc
Đời éo le biết đâu là hơn thiệt
Chiến trường sinh tử có ai nghĩ thiệt hơn?
Đứa khoác ba lô về với giảng đường
Nuôi một ước mơ từ thời đi đánh giặc
Nay có người giàu sang
Cổng kín, tường cao bạn bè không dễ dến
Có người lương đủ sống qua ngày đoạn tháng
Cũng có người thất nghiệp
Có người đang ngày đêm vật lộn:
Đấu tranh cho lẽ phải công bằng
Bảo vệ trường tồn những đồng đội đã hy sinh
Ba mươi năm giải phóng Miền Nam
Chiến tranh lùi về dĩ vãng
Con cháu chúng ta đang trưởng thành khôn lớn…
Tác giả: Hồ Xuân Hùng
Lời bình của Châu Nho
Đường Hồ Chí Minh trên biển và đường Trường Sơn ngày xưa chạy dọc ngang Đông Dương đã trở thành con đường huyền thoại của lịch sử chống Mỹ cứu nước.
Ai đã đi trên con đường ấy mới thấy hết cảm nhận, thấm thía cuộc sống hôm nay. Bất giác tôi nhớ 4 câu thơ của một thương binh:
Những người lính đi qua chiến tranh
Vết thương trở trời, trong thời hội nhập
Tìm lại mảnh vườn: Bạt ngàn dự án
Gặp đồng đội oằn mình nâng cao ốc nhấp nhô.
Bốn câu thơ ấy đã thương cảm lắm, nhưng chưa thấm tháp gì với bài thơ “nhớ bạn” của tác giả Hồ Xuân Hùng (Nguyên chủ tịch Tỉnh nghệ an) được chọn in cùng với 50 bài thơ tiêu biểu trong cuộc chiến tranh chống mỹ cứu nước ở tập thơ “ Trường Sơn đường khát vọng” do Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương và Nhà xuất bản chính trị quốc gia ấn hành nhân kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn.
Bài thơ được tác giả viết sau chiến tranh 30 năm là một lời sám hối hiện thực, muộn màng nhưng đầy tính nhân văn. Nhiều nhà thơ, nhà văn cùng thời không muốn nhắc đến khúc bi tráng hậu chiến ấy, nhưng với Hồ Xuân Hùng thì khác. Anh viết bài thơ thay cho lời tuyên thệ về tình đồng đội, về bạn mình, lời thơ mộc mạc, bộc bạch, chân thành bao gồm nhiều giai thoại hiện thực đang tồn tại hiển nhiên trong cuộc đời những người bạn lính, người hy sinh nằm lại chiến trường đã đành, người trở về sau chiến tranh thì sao?
Bạn tôi đứa cụt què bệnh tật
Ngẩn ngơ, thương binh sọ não vô hồn
Đứa nhiễm chất độc màu da cam
Con cháu mấy chục năm sau vãn còn thương tích.
Với khổ thơ đầu tác giả đã đưa lớp bạn tồn tại di chứng chiến tranh, để đánh thức lương tri của xã hội, để bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào cũng phải thức tỉnh lương tâm ,uống nước nhớ nguồn. Sự đau đớn của họ là quá tưởng tượng. Thương cảm lắm, dũng cảm lắm tác giả mới dám nói lên sự đau đớn của bạn mình, đắn đo mãi mới dám đặt bút viết ra những điều bất hạnh nhất của người lính sau hậu chiến . Đó là ý chí của người lính.
Bạn lính của Hồ Xuân Hùng nhiều lắm, những lớp bạn thương tích ấy được tác giả đặt lên hàng đầu: Nếu họ không bị thương thì mình cũng bị số phận như họ mà.
Lớp bạn thứ hai của nhà thơ là những người lính về quê :
Ngày vui đồng ruộng, tối vui gia đình
Thảnh thơi anh dân quê tối ngủ ngon lành
Bạn bè đứa nào yêu thì đến.
Chữ yêu mới ngọt ngào làm sao, kiêu ngạo và thỏa mãn như chính ta đây là rượu gạo vậy, anh lính chả nghĩ gì hơn vì anh chính gốc là anh dân quê mặc áo lính, lính xong rồi an phận, thủ thường, cấy lúa trồng khoai, thuốc lào chè xanh, đứa nào yêu thì đến. Khi có gia đình và đồng ruộng, hạnh phúc của họ sau chiến tranh thật mãn nguyện và đơn giản.
Tốp bạn thứ ba của nhà thơ là những người lính sau giải phóng Miền Nam, họ vẫn tiếp tục đường binh nghiệp.
Đứa đam mê tiếp đường binh nghiệp
Hết biên giới Tây Nam – Tây Bắc
Quê hương: một năm vài ba tuần phép
Cấp tá về hưu tóc nửa bạc nửa xanh
Những người bạn lính đi hết đời binh nghiệp cũng chỉ là cấp tá về hưu, chứ lớp lính chiến trường ấy cũng chả mấy ai về hưu được lên tướng nhiều như bây giờ. Hình như tác giả không nhắc đến cấp tướng có lẽ đó cũng chính là điều thiệt thòi của nhiều cán bộ trong chiến tranh . Thời chúng tôi ở chiến trường cũng vậy. Người này ngã xuống, người khác lên thay, có chức nhưng chưa có quân hàm. Thưở ấy ở chiến trường ABC khi khai trong lý lịch quân nhân cũng chỉ có mục chức vụ chứ không phân theo quân hàm, có khi trung đội trưởng lên làm đại đội trưởng, tiểu đoàn phó cũng chỉ cấp hàm tương đương với với trung đội trưởng rồi ra quân.
Người lính khi được giao nhiệm vụ thì cứ làm theo quân lệnh chứ chẳng ai đòi hỏi phải cho tôi quân hàm, cấp này, cấp nọ, chẳng ai nghĩ úy hay cấp tá gì cả.
Sang đến nhóm bạn thứ tư mà tác giả nhắc đến là: Thủ trưởng ngày xưa của mình và những người bạn nghèo của mình.
Đứa bỏ quê đánh đáo thị thành
Lính – giám đốc, thủ trưởng thành giúp việc
Đời éo le biết đâu là hơn thiệt
Chiến trường sinh tử có ai nghĩ thiệt hơn?
Bao nhiêu làng quê lên đô thị ruộng ít, người đông, làm không đủ ăn, lớp bạn này bỏ quê ra đánh đáo ở thành thị . Câu thơ đầy dấu trắc ẩn đã được nối mạch nêu bật người lính đưa cuộc đời binh nghiệp sinh tử ra thành phố đánh đổi lấy đồng tiền, tấm áo bằng mọi giá, đó là xe ôm, gác cổng, bảo vệ, làm nhân viên cho lính của mình. Đó là nơi kiểm nghiệm lại lòng nhân ái của những người lính với nhau.
Lớp bạn lính thứ năm của tác giả là thành phần trí thức sinh viên – giáo viên theo lời Đảng gọi gác bút nghiên ra trận. Họ theo đuổi ước mơ hết giặc, chiến thắng nếu còn sống trở về họ sẽ tiếp tục đến giảng đường đại học. Trong hàng triệu sinh viên ấy sau chiến tranh có người mo cơm, khoai sắn, tu nghiệp thành tiến sỹ - giáo sư có người may mắn thành đạt trong kinh doanh hoặc thăng tiến trong chức vụ xã hội.
Đứa khoác ba lô về với giảng đường
Nuôi một ước mơ từ thời đi đánh giặc
Nay có người giàu sang
Cổng kín, tường cao bạn bè không dễ đến.
Lớp bạn lính này của nhà thơ đã tách ra khỏi tầng lớp áo lính, khoác áo doanh nhân hoặc số trời điểm mặt một số có vị thế trong xã hội họ thực sự giàu sang, họ là tầng lớp trung lưu của xã hội, cái thế thời tạo cho họ quan hệ ngoại giao, quan hệ xã hội của những người giàu, họ có ô sin, giúp việc, gác cổng họ có cả vệ sỹ thì nhất thiết là biệt thự của họ phải kín cổng cao tường, . Sự hò hẹn của họ là có báo trước. Viếng thăm tinh tế và công việc, khiến bạn bè thời lính ít có dịp tiếp xúc và lạc lõng ngoài vùng phủ sóng của họ.
Bài thơ chuyển sang khổ thứ sáu, lớp bạn lính bần hàn, không có lương hoặc phụ cấp sống qua ngày đoạn tháng, là những thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam, người có phụ cấp chỉ đủ mua gạo, chưa nói gì đến việc lo cho con cái học hành…
Có người lương đủ sống qua ngày đoạn tháng
Cũng có người thất nghiệp
Có người đang ngày đêm vật lộn:
Đấu tranh cho lẽ phải công bằng
Bảo vệ trường tồn những đồng đội đã hy sinh.
Nổi lên là ý nguyện người lính luôn khát khao bình đẳng xã hội và đấu tranh chống tiêu cực, chống tham ô, tham nhũng, đấu tranh chống lợi dụng chức quyền. Nhiều người con cái họ bị vạ lây – thất nghiệp vẫn ngày đêm vật lộn để đấu tranh cho lý tưởng của Đảng của dân – Đó chính là tư tưởng của tầng lớp cựu chiến binh vác tù và loa hàng tổng. Họ kiên quyết bảo vệ thành quả của cách mạng mà họ đã đổi bằng xương máu.
Nối mạch với ý chí cách mạng của những người lính là sự giải thoát sau hậu chiến, bằng niềm tin vào con cháu,về một đất nước hòa bình, xã hội bình đẳng và tươi đẹp được tác giả dồn nén vào khổ cuối của bài thơ mang âm hưởng chờ đợi...!
Ba mươi năm giải phóng Miền Nam
Chiến tranh lùi về dĩ vãng
Con cháu chúng ta
Đang trưởng thành khôn lớn…
Nghịch lý cuộc đời người lính sau chiến tranh được tác giả neo lại mở ra khổ cuối cùng của một bài thơ, một viễn cảnh thật sự tươi đẹp.
Bài thơ “ Bạn tôi” mới đăng chưa nhận được nhiều giải thưởng, nhưng giải thưởng cao quý nhất của tác giả đã nói thay lời tự sự của hàng triệu, hàng triệu người lính đi qua chiến tranh, lời nhắn gửi thay cho hương khói đến với hương hồn các liệt sỹ đã nằm lại chiến trường. lời cảm thông chân thành, sâu sắc nhất đối với gia đình bạn lính, là thương binh, bệnh binh người nhiễm chất độc màu da cam. Cao hơn hết chính là lời tuyên thệ của những người lính đã cống hiến cả cuộc đời thanh xuân của mình cho Đảng cho
sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Châu nho ( Tuần báo văn nghệ HNVVN)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét