Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

    HAI ƯỚT MỘT RÁO - CỞI ÁO MÀ ĂN 
                                                                                                                                     Châu Nho 
                                                                                          (đã in báo  Số ra ngày Nhà báo 2014)


    Năm 1975, tôi được anh Trần Hữu Thung chủ tịch hội VHNT tỉnh Nghệ Tĩnh đồng ý và đề nghị anh Chế Lan Viên cấp giấy giới thiệu do anh Xuân Diệu ký giới thiệu về ty thương nghiệp Nghệ Tĩnh chuyển công tác. Tôi được nhận về phòng tổ chức của ty phụ trách biên tập tờ tin của ty thương nghiệp Nghệ Tĩnh là cộng tác viên của báo thương nghiệp. Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm về một bài báo cách đây gần 40 năm. Tôi viết và được đăng trên báo thương nghiệp Trung ương:

    Trong một lần tổ chức thi tay nghề cho công nhân thợ may trong xí nghiệp may may Hà Tĩnh, trong hội đồng thi ở ngoài Vinh vào có anh Nguyễn Quốc Lựu phó ty làm phó Chủ tịch hội đồng, anh Minh làm phó ty lao động làm chủ tịch hội đồng thi, ở Hà Tĩnh có anh Trần Đờn chủ nhiệm xí nghiệp may, anh Nguyễn Cảnh Hồng trưởng phòng kinh doanh và một số cán bộ kỹ thuật , còn tôi làm thư ký Hội đồng. Hôm thi cắt may com lê cho thợ bậc 4 lên bậc 5 có một cô công nhân buổi trưa không nghỉ ăn mà vẫn mải miết làm thực hành, tôi hỏi cô tại sao không nghỉ ăn trưa, cô trả lời: “Sáng nay em chơi món hai ướt một ráo nên chưa thấy đói, em chỉ lo không làm được bài để lên bậc”. Tôi nghe lạ quá, món gì mà hay vậy thì được cô cho biết là món gia truyền của Hà Tĩnh và cô đọc cho tôi nghe câu ca dao:

    Hai ướt một ráo, cởi áo mà ăn

Rồi cô cười sảng khoái, tôi hỏi thế sáng nay em có cởi áo khi ăn không?

- Cô trả lời “Không cởi áo ngoài nhưng sáng nay trước khi đi ăn em không mặc áo lót”.

Cả hội đồng thi cùng cười và tôi nhờ sáng mai dẫn chúng tôi đi ăn món lạ, rồi cô mặc cả: ”Nếu em chiêu đãi thì các anh phải chấm cho em lên 1 bậc lương nhé”.

    Sáng hôm sau trên chiếc xe u oat dẫn đường cô đưa chúng tôi ra bắc cầu Cày nơi có quán gốc của hai ướt một ráo. Mời chúng tôi vào nhà là một chủ quán khoảng 45 tuổi, bà vừa trò chuyện vừa làm bánh cho chúng tôi: Tôi theo dõi thì thấy “Khi bánh ướt nhấc ra khỏi mặt vải bọc trên nồi, rồi úp bánh ướt đó vào hai mặt của một bánh đa đã nướng sẵn, bà dùng hai bàn tay đập đập vào hai bên bánh đa cho dính lại với nhau thành hai ướt một ráo, rồi cuốn tròn lại to bằng cán liềm, món này ăn kèm với món nem rán (chả cuốn). Trong chả cuốn gồm thịt lợn và gồm nhiều rau rừng và gia vị.

    Do món ăn lạ và ngon miệng chúng tôi ăn hết một người hai đĩa và bốn chiếc nem no căng bụng. Trước khi mời uống nước chè xanh đặc bà còn đọc cho chúng tôi nghe câu ca dao: “Hai ướt một ráo, cởi áo mà ăn. Thêm đọi chè xanh, ba ngày chưa đói.”. Lại vào giữa mùa hè nắng nóng, anh Đờn chủ nhiệm xí nghiệp phải cho nấu 4 ấm nước cho hội đồng thi uống mà vẫn thiếu, càng uống (hai ướt một ráo) càng nở ra, càng no bụng căng lên, quạt mấy cũng không mát. Cả ngày hôm đó Hội đồng thi không ăn uống  được gì mà đến ngày hôm sau mới thấy đói.

    Nhờ lần đi công tác ấy tôi mới có bài (hai ướt một ráo) đăng lên báo Thương nghiệp dự thi chuyên mục ẩm thực và được giải khuyến khích. Đó cũng là bài báo đầu tiên tôi được giải thưởng của một báo Trung ương.

    Thấm thoát gần 40 năm trôi qua, hôm nay tôi cùng đoàn nhà báo Thời báo tài chính Việt Nam trở lại Hà Tĩnh công tác. Ông Nguyễn Cảnh Hồng tổng giám đốc Công ty thương mại Hà Tĩnh đưa xe Camry đón chúng tôi đi ăn sáng, tôi đề xuất tìm lại cái món hai ướt một ráo ngày xưa. Ông Hồng cho biết! món ấy là món cổ xưa, bây giờ Hà Tĩnh nhiều món ẩm thực lắm! nào là dê nầm (Hương Sơn), hến bánh đa (Đức Thọ), hai luộc thạch kim (tôm luộc cộng khoai luộc), cua gạch (Kỳ Ninh), cua đá cá khe (Kỳ Tây), mực nhảy (Kỳ Anh), xúp bò bánh đa (Can Lộc). Nếu các anh lên trại lợn Hương Sơn thì có một món nhậu mà đi khắp thế giới chưa ai biết chế biến và thưởng thức cả, đó là món nhậu đơn giản mà hảo hạng, món này khó nói lắm, ai muốn biết lên mà hỏi trại trưởng trại lợn Hương Sơn, nếu may mắn được thưởng thức thì khoái cảm ẩm thực một đời chưa hết.

    Đó là chưa nói đến 50 hecta  nuôi baba và ếch của công ty Lý, Thanh, Sắc: với một nhà hàng! với ba dãy nhà Trung Hoa cổ hiện đại và hai khách sạn với hơn hai trăm phòng phục vụ ăn ngủ khép kín, còn xuất khẩu baba và ếch ra sáu nước Đông Nam Á. Nghe đâu họ đang thâm nhập vào EU và Mỹ.


    “Cái món hai ướt một ráo mà các anh yêu cầu thì vẫn còn ở bắc Cầu Cày. Hơn 50 năm rồi cuộc sống  đua chen giàu nghèo, thi thố ăn nhậu, vậy mà người Hà Tĩnh vẫn giữ được món truyền thống xa xưa, người Hà Nội, Sài Gòn về du lich thăm quê Hà Tĩnh đều mê cái món dẫn dã này, nó được xếp vào hạng đặc sản đồng quê ngang hàng với kẹo cu đơ và áo tơi chống nắng.

    Đón chúng tôi ở quán ăn bắc Cầu Cầy là con của bà cụ ngày xưa, chị cho biết: “Ba đời vẫn bán món hai ướt một ráo, mùa nắng, mùa mưa, rét giá hay giêng hai vẫn đông khách.”  Tôi hỏi chị : “Tại sao quán giữ được khách lâu thế ?” Chị cho biết: “Có 2 nguyên nhân chính là nguyên liệu làm bột gạo xay phải nhỏ và mịn, vừng làm bánh đa phải là vừng đen, thịt lợn phải tươi ngon (nuôi bằng cám ngô và cám gạo), gia vị làm nem gồm có hai loại rau thơm và 4 loại lá rừng với nhiều công dụng chữa bệnh. Thứ hai là giá cả phải phù hợp với mọi người dân nghèo và công chức, mỗi suất ăn từ 12 đến 15 ngàn đồng, còn nước chè xanh đặc thì miễn phí. Có những gia đình là ba đời ông cha và con đều mê món này lắm, nhờ các loại lá rừng bỏ vào trong nem (chả cuốn) cộng với chè xanh đặc ăn uống thường xuyên sẽ có tuổi thọ cao, chống mỡ máu và huyết áp, đàn ông thì chống béo phì, chống bất lực, đàn bà thì da trắng, thắt  đáy lưng ong, mắn đẻ”.

    Nói rồi chị đọc cho chúng tôi nghe câu ca dao chị đã chỉnh sửa: “Hai ướt một ráo, cởi áo cho anh./ Hai  bát chè xanh/ một năm hai lứa.”

    Chị cười, nụ cười đôn hậu tự nhiên giống như sự hiện diện của món ẩm thực hai ướt một ráo đã song hành cùng người Hà Tĩnh thăng trầm qua nhiều thập kỷ.

                                                                                                                  Châu Nho



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét