Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015


TỰ SỰ TRƯỚC GIAO THỪA
                                                                                                         chuyện ngắn của châu nho
                                                                  (đã đăng báo lao động )
Năm ấy tôi làm giám đốc sở nông nghiệp, được Tỉnh điều lên làm Chủ tịch Thành phố. Chưa được một nhiệm kỳ thì có sự cố , vì hoàn cảnh gia đình và số mệnh, khiến tôi rời ghế  chủ tịch thành phố về bộ chủ quản ., khi không làm “quan”  chính trị được bộ chủ quản giao cho làm giám đốc một đơn vị, tôi lại làm “quan” kỹ thuật. Âu cũng là số trời ưu ái cho tôi hơn  là chính năng lực của bản thân mình.
Những ngày ngồi trên ghế  chủ tịch thành phố , áp lực công việc làm cho tinh thần luôn căng thẳng ra toàn bộ đời sống  xã hội, trong đó có những vấn đề chủ trương chính sách, về quyền lợi của người dân, luôn đụng chạm nhau trong đầu tôi. Nhiều cuộc tiếp khách triền miên, nhiều chuyến du ngoại nước ngoài, nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc làm việc với các nhà doanh  nghiệp, cũng có lúc đối chứng với các công chức, nhà giáo, nhà văn, nhà báo về những bức xúc của xã hội, khiến tôi gần như suy sụp.
Trong tôi bấy giờ bao gồm nhiều con người, chỉ mới hơn một năm làm  chủ tịch thành phố, bạn bè cùng thời, bạn bè công chức ngày xưa dần dà xa tôi  - có khoảng cách bắt buộc , lôi kéo, cuốn hút tôi vào một “xã hội cao hơn”. Có thể là xã hội thượng lưu? Tôi cũng không thể định hình được nữa bởi công việc mà tôi đang làm bắt buộc mình phải như vậy.
Nhớ thời học xong đại học đến nhà máy với cái xe đạp cà tàng, vợ chồng gom cả bên nội bên ngoại mới mua nổi một cái xe hôn đa “bãi” của Nhật vừa đi vừa đẩy. Vậy mà tôi cũng đã toại nguyện lắm rồi, đâu mơ được như bây giờ, đi đâu xe con đưa đón, mưa gió chẳng rọi đến đầu hói của mình, vợ con tôi cũng vậy, nhà cửa , bếp núc , chợ búa chẳng phải động tay đã có người giúp việc. Rồi vợ tôi từ một công chức bình thường hình như được một tầng lớp khá giàu nào đó quan tâm, quen thân nhờ vả việc này việc kia, nên từ chân lấm tay bùn thành công chức nay đã lên bà, lên cô, đi đâu mua gì cũng có người mai mối, trả tiền, khi mua quần áo giày dép có người tháp tùng đi, tiền đô, tiền e rô đọc xê ri thành thạo hơn ngày trước.

Thư ký của tôi đỡ phải nhắc nhở vợ, về trang phục mỗi khi đi cùng tôi tiếp khách nước ngoài. Bây giờ cô ấy là một phu nhân chính hạng.
Nhiều lúc tôi nghĩ cuộc sống bắt buộc con  người phải thay đổi để thích nghi. Giả sử mình không làm chức vụ này có người khác làm có lẽ cùng vậy thôi.
Nhưng chỉ có một điều mà lương tâm tôi luôn dằn vặt là cái vinh hoa ấy từ đâu mà có? Mình đã thực sự có tài, có tâm? Nếu không được xã hội ưu ái, với cương vị của mình thì làm gì có bổng lộc đến thế. Những bức xúc của xã hội ý kiến của dân, mình đã giải quyết được bao nhiêu? Các cấp dưới quyền đã lo được cái lo của mình chưa?
Tôi thường trả lời với chính mình ở các cuộc họp lãnh đạo, hoặc khi huấn thị cho các cán bộ cấp dưới, hay một trường học hoặc lớp chỉnh huấn nào đó. Tôi cứ ngượng mãi với lần kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam tôi về trường cấp 3 (nơi mình học ngày xưa) chúc mừng, nói chuyện . Trước mấy chục giáo viên, hàng ngàn học sinh thầy giáo hiệu trưởng( trước kia là thầy chủ nhiệm và chính thầy đã cho tôi 2 môn điểm 3 cuối cấp) giới thiệu. “Hôm nay là ngày của các thầy các cô ngoài học sinh phụ huynh đến chúc mừng, tôi xin giới thiệu ông  chủ tịch thành phố lên nói chuyện đây là một vinh dự lớn cho trường chúng ta”
Sau tràng vỗ tay tôi hầu như mất luôn cả khí thế cất luôn cả tờ giấy mà thơ ký đã viết sẵn, tôi ngượng nhiều hơn là vinh sự bởi trước mắt tôi là vị tiến sỹ đích thực, một nhà giáo nhân dân. Còn tôi chỉ là một học trò chạy điểm cuối cấp…đại học tại chức...
Tôi nói vài lời chúc mừng các thầy, cô, học sinh, trao một món quà và xin phép về. Xe chạy khỏi cổng trường tôi thở phào nhẹ nhõm.
Một năm sau ông bí thư thành ủy về hưu, trước khi nghỉ anh ấy đề nghị tỉnh cho một trưởng ban của tỉnh về làm bí thư (người này trước cũng học với anh ấy). Còn tôi lại kỹ kèo xin lãnh đạo tỉnh đưa thằng bạn tôi hiện đang làm giám đốc cùng thời với tôi về làm bí thư . Khi bỏ phiếu tín nhiệm thì bạn tôi thua anh trưởng ban ấy 5 phiếu. Những lãnh đạo tỉnh vẫn quyết định đưa bạn tôi về làm chủ tịch theo đề nghị của tôi. Ông lý giải rằng: Bí thư với chủ tịch phải là một ,hợp ý tâm đồng nên Tỉnh quyết định như vậy.
Hai vợ chồng cậu ấy đến nhà tôi cảm ơn nói “Nếu được sự giúp đỡ của tôi cậu ấy sẽ làm thay đổi bộ mặt của Thành phố, lũ lụt sẽ không còn ngập phố , cầu đường,giao thông sẽ không ách tắc, sẽ đoàn kết nhất trí ,đưa kinh tế thành phố trở thành điểm sáng của khu vực... làm yên lòng dân...
Khi chia tay vợ cậu ấy hỏi tôi “Tại sao anh không làm Bí thư mà để nhà em làm ngay vây?” Tôi vừa đùa vừa nói “Tôi đề nghị cậu ấy làm Bí thư luôn không cần qua Chủ tịch, để cậu ấy khỏi quật ngã tôi như thời  cậu ấy làm phó giám đốc của tôi vậy” Cậu ấy cười xòa “chuyện cũ mà anh nhắc lại làm gì, làm việc ai chả có bạn hữu cùng cánh”.
Bẵng đi hai năm từ khi tôi rời ghế chủ tịch Thành phố, ít khi gặp nhau, bởi đơn vị mới của tôi trực thuộc Trung ương theo ngành dọc. Bạn bè nhiều người nhắc đến cậu ấy, không chỉ là lời khen ngợi mà là lời than phiền, chê bai cậu ấy có cả ý kiến của các vị lão thành cách mạng, các đồng chí giữ chức trước đó, phản đối kiến nghị những quyết định của cậu ấy trong công tác cán bộ, bao che cấp dưới, vi phạm luật đất đai, lợi dụng chức quyền, từ ngày cậu ấy lên làm Bí thư Thành phố chẳng có gì đổi mới,phương án di dời các bệnh viện, trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành không làm được, cắt đất trong nội thành bán rẻ cho các chủ đầu tư xây dựng các khu chung cư, chậm nộp tiền thuế sử dụng đất đai theo luật, Năm vừa qua cậu ấy chỉ đạo một số doanh nghiệp đưa cán bộ của Thành ủy  đi tham quan du lịch nước ngoài, chi phí doanh nghiệp bỏ ra được trừ vào thuế đầu vào. Một số công ty trực thuộc UBND Thành phố thì cổ phần hóa dưới âm…
Tôi hoài nghi dư luận và tôi cũng lo cho cậu ta, tại sao một con người được học hành như vậy, có ý chí cương vị như vậy lại phớt lờ dư luận và ý kiến của dân như thế?
Mới đây tôi lại nghe kể về một câu chuyện li kỳ qua lời kể của một cán bộ lão thành, vừa rồi cậu ấy đưa cả gia đình đi nghỉ mát khu du lịch biển mấy ngày, cửa nhà khóa, cửa cổng cũng khóa, bên công ty vệ sỹ huy động cả một tiểu đội thi nhau canh gác vòng ngoài 24/24 kể cả khi trời mưa to.
Tôi nói với vị cán bộ lão thành “Làm gì có chuyện đó nhà lãnh đạo tỉnh cũng không cần canh gác, nói chi nhà Bí thư Thành phố, cậu ta thiếu gì con cháu mà không nhờ một đứa trông nhà?”
Vị cán bộ lão thành ấy nói “Dân người ta còn đồn ầm lên nhà chủ tịch Thành phố có gì trong đó quan trọng mà phải bảo vệ kỹ vậy? Ở Thành phố này trị an lâu nay  ổn định lắm. Chẳng có sự cố nào xảy ra về an ninh trật tự cả”. Vị cán bộ lão thành ấy hỏi trực tiếp cậu ta thì được cậu ta bảo “Tôi cũng chỉ đặt vấn đề vậy chứ ngờ đâu bên công ty vệ sỹ  họ chu đáo quá”
Tôi tâm sự với anh bạn nhà báo: “ Tôi đã phạm một sai lầm lớn không sửa chữa nổi là đã đề nghị Tỉnh đưa cậu ấy lên làm bí thư Thành ủy”. Tôi được anh bạn nhà báo an ủi một câu: “Thời mở cửa có người luôn vượt lên cả chính mình làm nên việc trọng đại như bạn anh thì khác” . Và anh bạn nhà báo khen tôi : “ Hơn một năm rồi hôm nay tôi mới được nghe lời tự sự chân thành, vui buồn lẫn lộn về tình bạn trước giao thừa”.
Chúng tôi chia tay nhau trong ánh pháo hoa, bầu trời sáng rực lên – một năm mới có lẽ tất cả sẽ là mới.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét