NGÕ BA THẦY
Truyện ngắn của Châu Nho
(đã in báo)
Đã mười hai giờ đêm, tiếng búa gỗ đập thình thịch vào khuôn đóng gạch táp lô của nhà anh Lý vẫn vang lên dồn dập, xen lẫn là tiếng vợ anh Lý: “Chồng nhà các bà có học làm được thầy dạy học có học sinh đưa nón, đưa hoa, phong bì đến tặng ngày nhà giáo; chồng các bà làm bác sỹ tiêm chích ngoài giờ, có đồng ra đồng vào khám bệnh, chưa sướng còn ghen tị gì với nhà nghèo này, mà còn lên giọng dạy đời. Nhà tôi ít học nên phải làm thợ xây, thợ hồ đêm nay không đúc xong 120 viên gạch táp lô để mai đi nạp cho xí nghiệp thì lấy tiền đâu mà mua gạo”. Bà vợ của bác sỹ Định và vợ của thầy Tâm sau nhiều lời phân giải lẳng lặng vào nhà.
Ba ông chồng không người nào lên tiếng trong khi ba bà ẩu đả, la hét, vì ba người đều là lính Trường Sơn, họ đã từng cõng nhau vượt qua bom đạn, sau lính mỗi người mỗi nghiệp. Anh Định đi học tiếp đại học Y khoa làm bác sỹ tai mũi họng bệnh viện tỉnh, anh Tâm đi học 10 cộng 3 rồi đi dạy cấp hai, còn chú Lý chuyển về làm công nhân xí nghiệp xây dựng.
Cái ồn ào, tiếng chì, tiếng bấc cứ diễn ra năm bữa, nửa tháng ở cái ngõ nhỏ chung ba nhà cấp bốn, đối diện cổng nhà xác bệnh viện tỉnh, cả một thời gian dài sau hậu chiến là cái lẽ thường tình của thời kỳ quá độ vì cơm áo gạo tiền của những gia đình lính.
Sau Tết, thầy Tâm ngoài giờ dạy ở lớp, về nhà mở lớp dạy thêm ngoài giờ, một tuần ba buổi học sinh ồn ào náo nhiệt. Có kinh tế, thầy xây lại nhà mái bằng, càng làm cho vợ anh Lý ghen tị hơn, học sinh tràn sang cả vườn rau dẫm nát mấy luống rau vợ anh Lý trồng. Sau cuộc ẩu đả, thầy Tâm phải đưa sang 500 đồng đền bù tiền rau cho chị vợ anh Lý, chị mới hả giận khỏi lên xã báo với công an “thầy Tâm làm mất trật tự lối xóm”.

Vợ chồng bác sỹ Định được ông bà ở Hà Nội gửi tiền về cho xây nhà mái bằng, lợp pờ rô xi măng. Bác sỹ Định còn ngăn hai phòng điều trị tại nhà cho bệnh nhân, kinh tế khá dần lên. Bác sỹ Định được đề bạt làm trưởng khoa hồi sức cấp cứu, bận suốt ngày nên ít ở nhà. Duy chỉ có vợ chồng chú Lý là vất vả hơn cả, năm đó 2 vợ chồng làm thợ xây, thợ hồ quá sức, ăn uống kham khổ, thi nhau ốm đau mấy trận phải nhờ bác sỹ ở bệnh viện vào tiêm.
Nhà dột nát chưa có tiền lợp lại, ốm mãi bà ngoại nhà anh Lý mời thầy cúng tận Nam Hà về giải hạn cho cả hai vợ chồng. Một tuần đánh chiêng gõ mõ mới khỏi bệnh, hết những hai ngàn đồng, may mà bà ngoại có sổ tiết kiệm cho mượn. Sau trận ốm ấy anh Lý thẫn thờ, một đêm anh nằm mơ thấy người từ cổng nhà xác bệnh viện đi vào ngõ ba nhà. Hỏi đi đâu, họ bảo đi nộp đăng ký hộ khẩu đã cắt xuống âm phủ nhưng chưa có trạm để đăng ký hộ tịch, cửa phần âm còn đóng chưa có người nhận. Họ bảo ông nên mở trung tâm tâm linh để chúng tôi có đường xuống âm phủ và trở về phù hộ cho ông, hạn ông nặng lắm ,nếu không có phần âm phù hộ thì ông đã đi theo chúng tôi rồi .. Tỉnh dậy anh Lý bàn với vợ chuyển nghề, xin về trợ cấp một lần. Vợ chồng quyết định mời thầy đã giải hạn cho mình hành nghề tại nhà mình.
Sau chuyến ra Nam Hà mời thầy San, anh lên Hà Nội qua mấy tiệm sách cũ mua mấy cuốn sách hướng dẫn cúng giải hạn, cúng phong thủy, lấy hướng nhà, hướng đất. Hàng ngày vợ đi tiếp thị mời mọc, ban đầu họ hàng anh em, sau lan ra xã vào thành phố rồi các huyện, anh Lý cùng thầy San giải hạn ở nhà, tiếp khách. Thầy San cho anh Lý vay 1,5 ngàn đồng sửa sang lại nhà cửa, lợp pờ rô xi măng, lát gạch, ngăn phòng rộng hơn, sắm sửa đồ vật. Từ chỗ một ngày vài người, sau lên bốn đến năm người; thời điểm gần Tết và sau Tết vài chục người giải hạn một ngày, tiếng lành đồn xa, anh Lý phất lên như diều gặp gió. Sau một năm anh tự đứng ra làm lễ và trả tiền cho thầy San về Nam Hà. Ba năm sau, anh Lý xây được nhà biệt thự 3 tầng, xây cổng sân, có điện thờ tầng hai, tầng ba cho khách vip giải hạn, được anh bạn bán điện tử trên phố cho lắp nợ tiền bốn bộ điều hòa nóng lạnh để khi làm lễ cho thêm phần linh thiêng.
Qua Tết bỗng dưng báo chí nêu ầm lên chuyện thầy Tâm nhận tiền giáo viên hợp đồng, nhận phong bì thuyên chuyển học sinh, chi tiêu tiền tiếp khách sai quy định. Thầy Tâm làm đơn xin nghỉ việc, về hưu trước tuổi.
Cũng năm đó khoa hồi sức cấp cứu có một tai nạn giao thông không cấp cứu kịp thời mà chờ người nhà đến ký bệnh án nên bệnh nhân tử vong, bệnh viện quy trách nhiệm cho bác sỹ Định. Toàn khoa góp tiền đền bù cho gia đình bệnh nhân, bác sỹ Định bị đình chỉ công tác, giải quyết hậu quả rồi về hưu non. Bác sỹ mở điều trị tại nhà, sau một lần phẫu thuật tại nhà, bệnh nhân bị sốc phản vệ suýt chết, may mà đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Gia đình bệnh nhân đòi bồi hoàn viện phí cấp cứu, phải dồn hết tiền bạc nạp tiền viện phí cho họ. Từ đó bác sỹ Định không chữa tại nhà nữa, chỉ trông vào mấy triệu lương hưu.
Đang trong hoàn cảnh túng quẫn, thì vợ thầy Lý dùng xe ô tô cam ri mời hai bà vợ của thầy Tâm và bác sỹ Định đi nhà hàng chiêu đãi bàn chuyện làm ăn.
Sau vài cốc rượu vang, vợ thầy Lý nhỏ nhẹ: “Em xin lỗi hai chị mấy năm qua có lời không phải với hai gia đình, nhưng nay em đã khá giả, vả lại nhu cầu khách quá đông, gần đây còn phát sinh ra nhu cầu khách cần ngủ lại chờ ngày tốt để làm lễ, ăn trưa - tối, khách ở các huyện chờ đến lượt. Em bàn với hai chị là hai chị mở hai loại hình dịch vụ, một là bác Tâm gái giỏi nấu nướng mở quán ăn cho khách, lấy vườn và kê bàn ăn có mái che tôn kẽm; trung bình cũng được 20 suất/ngày. Còn bác Định gái thì cải tạo lại các gian chữa bệnh thành 4-5 phòng ngủ cho khách thuê, ngoài sân mở quán nước giải khát cho khách chờ chứ bên nhà em quá chật, không có người phục vụ.
Tới đây nhà em sẽ thành lập công ty phong thủy tâm linh, ngoài giải hạn còn phải xem ngày cưới, tướng số, mệnh trai gái, hướng nhà, hướng đất... và hai chị nằm trong hệ thống dịch vụ của công ty. Thu nhập hai chị hưởng, em chỉ xin treo biển công ty ở ngoài ngõ nhà mình.
Hai bà vợ thầy Tâm và bác sỹ Định như đang trôi vớ được cọc, hớn hở đồng tình phương án tối ưu. Nhưng hiềm nỗi giờ hai nhà đang gặp hạn. Bác Tâm gái phân trần:
- Mình làm gì có tiền mà sửa chữa nhà, mua sắm mở quán ăn, nhà trọ?
Vợ thầy Lý đủng đỉnh:
- Cái đó hai bác khỏi lo, vợ chồng em cho hai bác vay không lãi suất, mỗi nhà 25 triệu đồng. Khi làm ăn có lãi, trích trả dần cho em, nếu thua lỗ thì em chịu.
- Thế thì còn gì bằng!
Trước Tết một tháng, lễ khai trương công ty phong thủy tâm linh diễn ra thật hoành tráng, khách vip, quan chức địa phương, những nhà đã có một, hai lần nhờ thầy đều đến chúc mừng. Ngõ nhỏ của ba người lính ấy nay được dân trong vùng gọi là ngõ ba thầy, dịch vụ ăn, nghỉ khép kín. Duy chỉ có thầy Tâm và bác sỹ Định là trầm mặc, ít nói, họ cũng hiểu ra lẽ sự đời đâu phải có học, có chức có quyền, có bằng cấp khoa học là được đã thanh thản ,toại nguyện danh phận .
Sau hai lần nâng ly, ba thầy ôm nhau. Thầy Tâm chậm rãi:
“Thầy Lý à, hai chúng tôi bây giờ không còn là thầy giáo, thầy thuốc nữa, nhưng nhờ thầy Lý mà cái danh của ngõ ba thầy đã thơm lây sang hai chúng tôi. Tai nạn nghề nghiệp, ghế nóng ở quan trường đã làm cho hai thầy thay đổi danh phận. Người có được số mệnh may mắn trời cho mới là người của thời cuộc thầy Lý à”.
Bác sỹ Định đề xuất: Bây giờ ba nhà đều khá giả, ba sổ thương binh của ba anh em hằng năm nhận góp vào lập một quỹ, con cháu trong xóm mình, cháu nào đậu đại học, chăm ngoan ta xét thưởng, ưu tiên cho gia đình nghèo. Quỹ này được đặt tên là quỹ khuyến học “Ngõ ba thầy”. Cả ba người lính vỗ tay đồng tình, quỹ sẽ khai trương vào lễ đón giao thừa năm nay tại sân chung ba nhà.
Châu Nho
Rất hay.Cảm ơn Anh Châu nha.Trọng Sơn ANNDTP Vinh.NA.
Trả lờiXóa