Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015



NỢ ĐỌNG TRƯỚC GIAO THỪA 
                                                                                                   Chuyện ngắn của CHÂU NHO
                                                                                                           (đã in báo)

Sáng nay ông Vân thức dậy bước ra sân vươn vai, bỗng thấy cây đào trước biệt thự nhà mình nở đỏ một góc vườn ,ông mới sực nhớ đã là ba mươi tết.                                                                                  Ông quên là đúng thôi, vì giờ này năm ngoái khi ông còn đương chức, khách vào ra tấp nập. Trung ương có, tỉnh có, rồi khách địa phương, các doanh nghiệp… kèm theo đó là la liệt đào, quất được họ biếu. Cây ít cũng có giá 3 triệu đồng, có cây 5, 7 triệu đồng. Đào, quất nhiều đến nỗi, có năm ông còn bày ra cả đường, phải gửi về làng biếu anh em nội ngoại.                                                                       

Thế mà năm nay, ngoài cậu An giám đốc công ty ống nhựa do ông tạo dựng (mà mấy ông trên tỉnh gọi đùa là sân sau) đến chúc tết ông cây đào 2 triệu đồng, còn thì chẳng thấy ai vào ra nữa cả.
Ông ngồi phàn nàn với bà Hòa - vợ ông: Mấy cậu phó chủ tịch, trưởng phòng, chủ tịch xã ông đề bạt trước khi về hưu tình nghĩa quá ngắn! Bà Hòa thì cho rằng: “Họ không có ơn nghĩa dài với ông là vì trước khi họ nhận chức, họ đã sòng phẳng với ông rồi, điều đó quá dễ hiểu mà ông cứ mơ hồ, trách cứ họ cho tội nghiệp”.
Tuần trước nhà ông có đám dỗ cụ tổ, dân làng lên dự hơn chục người, toàn bà con trong họ nội ngoại. Sau khi ăn xong, họ trách ông khi đương chức ham mê dự án bất động sản, ông ký quyết định lấy đất của làng cấp cho doanh nghiệp xây biệt thự.nhà liền kề,
Bây giờ bất động sản xuống giá, dự án thiếu vốn đình lại thành dự án treo. Họ hỏi ông liệu huyện có trả lại đất cho dân sản xuất được hay không? Có nhà ba, bốn lao động chính, khi nhận tiền đền bù chỉ bằng 1/10 giá trị dự án bán cho khách hàng. Có tiền chỉ biết mua ô tô, xe máy, xây nhà hết. Chỉ thời gian ngắn, tiền đền bù hết, ruộng không có mà làm, rủ nhau ra thành phố làm thuê đủ nghề mà không đủ ăn. Tình trạng ấy không phải chỉ có hai ba chục hộ họ hàng nhà ông mà xảy ra ở hơn 300 hộ dân mất đất trong xã.
Từ hôm ấy, ông chẳng dám đi đâu. Chỉ quanh quẩn trong hàng rào biệt thự mà cậu Hoa giám đốc dự án xây cho ông năm ngoái.
Bất chợt, chuông cửa reo lên, ông ngó ra và nghĩ: Không biết ai mà chúc mình bó hoa to thế? Hóa ra cô Tâm, giám đốc chi nhánh ngân hàng nông nghiệp huyện đến chúc tết và hỏi ông về bản chứng thư ông viết ký bảo lãnh cho cậu Hoa giám đốc dự án vay 25 tỷ đồng, nay hết hạn khế ước, dự án đình trệ, khách hàng đòi lại tiền, cậu Hoa không có khả năng trả.
Ông nói với cô Tâm ngân hàng: “Tôi về hưu rồi, người thay tôi sẽ giải quyết”.
Nhưng cô Tâm cứ nhất quyết: Ông về hưu nhưng ông phải có ý kiến để huyện xác nhận, để cô ấy xếp vào diện nợ xấu báo cáo lên trên, chứ ngân hàng lại lấy đất của nhà nước làm gì?
Ông Vân chậm rãi: “Nợ đọng là nợ xấu, các cô bán cho công ty mua bán nợ, công ty mua bán nợ thanh lý bán theo giá thị trường có gì mà phải làm toáng lên thế!”.
Nhưng bà Hòa vợ ông thì lập luận: “Vay ngân hàng có ông ký bảo lãnh cho cậu Hoa thì 2 người phải chịu trách nhiệm, cậu Hoa đã trả giá cái thư bảo lãnh của ông bằng cái biệt thự rồi, bây giờ người nợ chính là ông, chứ còn ai!”.
Bà Hòa gán cho ông đến năm sáu loại nợ: “Nào là nợ dân mất đất, nợ ngân hàng, nợ khách mua không có nhà họ đến đòi; sắp đến giao thừa rồi ông nghĩ sao ? ông tính sao?”.
Người tiền nhiệm thay ông nữa. Họ đã được lợi lộc gì đâu mà phải trả lời cho xã hội những câu hỏi về việc ông đã làm? Sau câu cằn nhằn của bà Hòa, ông thanh minh: “Bà nói vậy chứ theo luật thì đến tuổi về hưu - cái tồn tại sẽ do bộ máy kế tiếp làm - mình có quyền gì nữa đâu mà giải quyết. Chỉ sợ … ông không nói nữa”.
Bà Hòa giục cậu con trai (vừa đi học nước ngoài về) lên dọn, soạn bàn thờ sắp mâm ngũ quả để bà còn lo nấu nướng, soạn mâm cỗ cúng tổ tiên chiều 30 tết. Bà lẩm bẩm một mình: “Giờ này mọi năm con, cháu ở quê ra đông ơi là đông, mỗi đứa một việc làm náo loạn cả sân, vườn”. Bà cảm thấy mệt mỏi ngồi thừ ra bên bàn ăn. Nồi thịt kho cháy khét, bà mới giật mình chạy lại tắt bếp.
Ông Vân mở tủ lấy chai rượu ngoại từ năm ngoái người ta đưa đến chúc tết còn sót lại. Lau sạch định đưa lên bàn thờ thì bà ngăn lại “Năm nay ông về hưu rồi, hết lộc, không cúng rượu ngoại nữa. Tôi đã dặn con cháu nó nấu ở quê đưa ra mấy lít, gọi là rượu nhà quê cho nó thanh thản”.
Ông tần ngần rồi lại xếp chai rượu vào tủ. Đi đi lại lại sửa mấy cành đào thì có tiếng chuông cửa. Mấy đứa cháu con chị cả xách rượu và gà ra - ông vừa mở cửa chúng đã liến thoắng: Mẹ cháu bảo năm nay cậu về hưu sẽ không có nhiều gà, rượu nên sai chúng cháu đưa ra cúng cụ tổ ạ!
Ừ cảm ơn các cháu ông miễn cưỡng đáp.
Bà giục ông: “Mâm cỗ xong, 5 giờ chiều rồi ông lên làm lễ khấn tổ tiên chiều tất niên đi”.
Đúng lúc ông vừa tới cửa bàn thờ thì chuông điện thoại reo. Dòng chữ trên màn hình hiện lên chữ Say rượu làm ông vừa hoa mắt, vừa giật mình hoảng hốt: “Anh đưa chồng em lên hiệu trưởng nó đã bỏ mẹ con em lấy vợ rồi - cửa hàng vật liệu sắt thép anh thành lập cho em nay đã giải thể, em đang nợ ngân hàng hơn 300 triệu đồng - anh cứu mẹ con em với!”.
“Từ từ, hôm khác, nay tôi đang bận” và ông tắt máy bước vào trước bàn thờ thắp hương.
Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết, hai mẹ con ăn xong từ lâu, ông ngồi trầm tư hết chén này rồi chén khác, gần hết chai rượu ngoại năm ngoái còn sót lại - ông nghĩ lung mung - chuyện này mà bà vợ ông và thằng con biết chắc ông không sống nổi.
Không còn chức quyền, bổng lộc, lấy gì để trợ cấp cho đứa con riêng của ông và cô ấy. Đâu phải một hai năm mà phải hai mươi năm nữa nó mới trưởng thành, món nợ quá dài mà mình thì còn sống đến ngày đó không…(hôm liên hoan khai trương cửa hàng  vật liệu cho cô ấy mình say quá ,hóa ngu thật.)
Tất cả các món nợ  mà bà Hòa vợ ông kể ra thì thời gian, thời cuộc sẽ giải quyết trừ khi cậu Hoa bị ngân hàng và nhà đầu tư khởi kiện thì tòa sẽ phải gọi ông hầu tòa. Nhưng day dứt nhất là món nợ với 2 mẹ con cô ấy. Rồi ông say thật, ông cố gượng lên ghế sa lông nằm mê man bất tỉnh, mơ màng. Trong cơn mơ, ông thấy mẹ con cô ấy đầu đội khăn tang về thắp hương khấn vái ông. Ông giật mình tỉnh dậy, mồ hôi đẫm mình, cả nhà lặng yên, thoang thoảng mùi hương trầm đâu đây. Giao thừa đi qua lúc nào không biết.../.

                                                                                                                    Châu Nho


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét